Nhân cách hay lòng tốt không nằm ở sự cảm thông hời hợt trên mạng, vừa nói vừa phải trau truốt, nghĩ ngợi xem từ ngữ như thế đã đủ hùng hồn hay chưa?
Xã hội bây giờ trọng thị nhiều thứ trào lưu, thế nên thành ra ai cũng a dua đi làm diễn viên trên mạng xã hội. Một bức ảnh truyền đạt lòng thương cũng dễ dàng có vài chục, thậm chí vài trăm nghìn lượt like với lời bình luận và thậm chí là những chia sẻ chứng tỏ sự cảm thông sâu sắc. Thế nhưng trong đó có mấy phần trăm là thật lòng?
Rồi thì hễ xảy ra sự vụ gì là mọi người lôi nhau lên hết để bàn tán cho xôm tụ, bất kể có là chuyện đau lòng hay đáng tiếc thì cũng thây kệ chẳng thèm quan tâm, cứ tỏ ra thương xót lúc đầu, rồi lại lao vào bàn luận cho sướng mới thôi. Vì tính tò mò nên thọc mạch đến cùng, thương xót giả vờ nên cứ thích phải đào sâu tận ngóc ngách. Người khổ vẫn khổ, người bị nạn vẫn chịu thiệt thòi, chỉ có những diễn viên không lương vẫn cứ miệt mài cống hiến, đổi lấy dăm ba cái like và mừng rỡ với trò hư vinh ảo mượn nỗi đau của người khác.
Một vụ giết người, phi tang ở thẩm mỹ viện, bao người nhân danh công lý. Nước mắt sắp chảy thành sông trên mạng xã hội, có người chẳng cần biết rõ sự tình, cứ chia sẻ đại một thông tin mà danh sách dài bạn bè để lại lời cầu nguyện, rồi cũng lao vào diễn trò khóc mướn như ai.
Có ai cần lòng thương qua vài ba cái gõ bàn phím? Có ai kiểm tra lòng thương trực nhật đâu mà vẫn cứ phải diễn trò cho được? Để rồi kéo nhau thọc mạch vào mọi ngóc ngách gia cảnh, bâu xâu vào đánh giá mặc người trong cuộc ngày cảng chịu tổn thương.
Một vụ máy bay rơi, hàng trăm người thiệt mạng, ai ai cũng kéo nhau vào bình luận hoặc chia sẻ thông tin để “R.I.P” cho bằng được, kể cả những người ngay cả số hiệu máy bay cũng không biết. Như thể nếu không làm thế thì chẳng ai biết mình đang chia sẻ sự bất hạnh với người khác, như thể nếu không làm thế thì mọi người sẽ cho rằng mình vô cảm, không có lòng nhân hậu.
Một vụ anh ca sĩ bỗng dưng nổi tiếng vì “hát dở”, trăm người tung hô, thần thánh hóa lên để làm trò vui với nhau, cũng có trăm người dở trò thương vay, khóc mướn, bày tỏ lòng thương để chứng tỏ nhân cách cao thượng.
Thế nhưng nhân cách hay lòng tốt không nằm ở sự cảm thông hời hợt trên mạng, vừa nói vừa phải trau truốt, nghĩ ngợi xem từ ngữ như thế đã đủ hùng hồn hay chưa? Đừng tùy tiện rao bán lòng thương cho bất cứ ai khi mà chính mình đang lợi dụng người ta để đánh bóng lòng thương ấy. Cũng tuyệt đối đừng làm quen với việc hàng ngày đeo một chiếc mặt nạ lên, rêu rao đó là nhân danh lòng thương, để rồi biến thành diễn trò độc ác, tự cho mình cái quyền làm người khác tổn thương.
Lòng thương và sự đồng cảm không nhất thiết nằm ở con chữ, phô bày ra cho cả thiên hạ thấy. Lòng thương cũng không nằm ở việc thấy người ta nhắc đến nhiều thì mình cũng bâu vào cho nó kịp trào lưu. Tâm thì dửng dưng mà mắt thì đầy lệ, chia buồn thương xót nhưng quay đi thì nói nói cười cười, câu cái hư vinh ảo xong rồi thì cũng phẩy tay cho nó hết chuyện.
Hãy sống là chính mình!
Đừng đeo mặt nạ lòng thương lên diễn trò độc ác, càng ngày mạng xã hội càng giết chết tình người.
Không có nhận xét nào