Honda SH – biểu tượng đẳng cấp tại Việt Nam
“Hiếm có dòng xe nào ở Việt Nam mà tên tuổi nó đã trở thành biểu tượng của đẳng cấp như Honda SH. Không ít người quan niệm, chủ nhân của SH chắc hẳn là đại gia, được coi trọng, và người ngồi sau chiếc xe đó thường là một kiều nữ”, anh Ngô Duy Phú, chủ một cửa hàng xe tại quận 1, TP.HCM cho biết. Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe máy hơn 10 năm, anh Phú chia sẻ, SH được xem là chiếc xe ga thú vị, “nó cho biết bạn là ai mà không cần phải chứng tỏ nhiều”.
Lịch sử các thế hệ SH
Đây là thế hệ SH đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam, nhưng là thế hệ thứ ba trên thế giới.
Ngược dòng lịch sử, Honda SH thế hệ đầu tiên xuất hiện năm 1984, thời đó dung tích động cơ chỉ 50cc và hai thì. Đây là chiếc xe tay ga cho những người trẻ tuổi đi dạo quanh thị trấn. Đặc trưng dễ nhận biết nhất của nó là ở sự đơn giản và góc cạnh, bánh xe nan hoa căm và phanh tang trống.
Năm 1996, thế hệ SH thứ hai ra đời vẫn sử dụng động cơ hai thì nhưng tăng từ 50cc lên 100cc. Chiếc xe trông vững chắc hơn, yên rời, bánh xe đúc bằng hợp kim và phanh đĩa phía trước.
Đến năm 2001, thế hệ thứ ba của SH ra đời, sử dụng động cơ bốn thì 125cc và 150cc, với yên liền, màu sơn mới, tròn hơn. Nó được sử dụng động cơ làm mát bằng không khí và chất lỏng, đòi hỏi lượng không khí phía trước nhiều hơn nên xe được xẻ nhiều rãnh hút khí.
Năm 2005, thế hệ thứ tư của SH được Honda sản xuất, với đèn chiếu sáng hoàn toàn mới, kiểu dáng được sửa đổi trông nhẹ nhàng hơn.
Sau đó 2 năm, phiên bản 300cc xuất hiện. Đây là mẫu xe mạnh mẽ nhất trong gia đình SH và phiên bản 300cc tiếp tục ra mắt thế hệ thứ hai vào năm 2011.
Năm 2009, SH tiếp tục ra mắt thế hệ thứ năm, mạnh mẽ và gọn gàng hơn. Xe trang bị phanh đĩa cả trước và sau, có hệ thống phanh kết hợp.
Năm 2012, Honda trình làng thế hệ SH thứ sáu, đây là một bước đột phá so với những thế hệ trước đó, với ngoại hình gần như thay đổi hoàn toàn. Nhiều tính năng mới, bao gồm khối động cơ mới được chia sẻ với PCX, hệ thống khung nhằm mở rộng cốp chứa đồ dưới yên, có thể bỏ vừa một mũ bảo hiểm cả đầu. Xe được trang bị phanh ABS, hệ thống dừng-khởi động Idling stop.
SH tại Việt Nam
SH thế hệ thứ hai tại Việt Nam được cho là đẹp nhất, bền bỉ nhất.
Tại thị trường Việt Nam, có 7 dòng SH đang lưu hành, bao gồm SH đời đầu từ 2002 đến 2005, đời hai từ 2005 đến 2009, đời ba từ 2009 đến 2012 và đời bốn từ 2012 đến nay. Ngoài ra còn hai thế hệ SH 300i và SH mode.
Nhưng có lẽ gây ấn tượng với người Việt hơn cả là những chiếc SH 125i/150i. Trong bốn đời SH tại Việt Nam, có hai đời là SH nhập khẩu từ Ý, chỉ đời thứ ba và thứ tư là có cả hàng nhập lẫn hàng nội.
Anh Hồ Vĩnh Thái (quận 3, TP.HCM), một trong những người sớm sở hữu chiếc xe này cho biết, khi nhìn thấy chiếc SH đầu tiên trong đời thực sự là một cảm giác khó tả. “Nó không giống bất kỳ một chiếc xe nào từng xuất hiện, phá vỡ mọi nguyên tắc về thiết kế lúc bấy giờ. Người dùng quá quen thuộc với hình ảnh xe tay ga bánh phải nhỏ, thấp và phù hợp với phụ nữ. Nhưng SH lại chứng tỏ nó là một chiếc xe tay ga đàn ông”.
Nếu @ chỉ phù hợp với giới trẻ, Dylan nhắm tới người dùng trung niên, thì SH phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính. Có lẽ chính việc đổi mới táo bạo này đã làm nên sự thành công ngoài mong đợi của Honda SH. Nó nhanh chóng trở thành thứ đồ chơi phổ biến trong giới nhà giàu.
Những chiếc SH đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam vào khoảng cuối năm 2002, khi cơn sốt Spacy, @ đã dịu bớt. Thời đó, với những người giàu có, những chiếc SH lốp to, lượn lờ trên phố giống như hoàng tử cưỡi bạch mã. Nhờ chiều cao đến yên 785 mm, SH thực sự nổi bật giữa đường phố đông đúc.
SH thế hệ thứ ba cũng là dòng xe bị làm giá mạnh nhất tại Việt Nam.
SH trở thành ngôi vương trong phân khúc xe tay ga cao cấp, là biểu tượng của thế hệ trẻ thành đạt, con nhà khá giả. Nếu Dylan được ví như “hoàng tử”, @ được mệnh danh là “công chúa” thì SH thời đó được gọi là “vua”. Dân chơi có thể nhìn vào xe và biển số và phán đích danh chủ nhân của nó, con của ai, làm gì, ở đâu, bởi số lượng SH thời đó đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, quãng thời gian huy hoàng của những chủ nhân SH cũng không được bao lâu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2003, có 232 chiếc SH được nhập khẩu về nước. Và trong 10 tháng đầu năm 2004, có 448 SH 150 và 670 chiếc SH 125 tiếp tục được nhập về.
SH được ví như chiếc xe bước vào thiên niên kỷ mới, chủ sở hữu nó thời đó phải thuộc dạng đại gia. Giá một chiếc SH năm 2002 khoảng 8.600 USD, tương đương 135 triệu đồng, mua được 5 chiếc Dream Thái. Đây là mức giá quá cao và bị các đại lý găm hàng, làm giá, bởi SH 150 vào năm 2002 khi thông quan có giá 2.600 USD. Nhưng SH vốn dĩ là thứ hàng hóa đặc biệt, vậy nên giá càng cao thì sức tiêu thụ càng lớn. Nắm bắt được tâm lý này, các đại lý tha hồ hét giá và các thượng đế thì hả hê bởi mua được chiếc xe mà dân thường chỉ cần nhìn vào số tiền đã choáng.
Theo dân chơi, nếu bây giờ nhìn lại, những chiếc SH đời 2002 khá xấu, nhiều nét tương tự như People S của Kymco. Nhiều người dùng ví von, SH đời đầu như một chàng trai đi chân đất, cởi trần nếu SH đời mới là một chàng trai lịch lãm, mặc comple. Khác với đường nét mềm mại, cân đối mang tính chuẩn mực của @, SH 125/150 thế hệ đầu có những đường nét gân guốc không cần thiết, tạo cảm giác mất cân đối. Nhưng đó là góc nhìn SH vào thời điểm hiện tại, sau 12 năm kể từ khi nó ra đời.
Khi Dylan đã gần như hết thời thì Honda SH lại tăng giá trong khoảng từ 2004-2006. Theo một số thợ sửa xe tại quận 5, TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu là do Honda SH sở hữu cặp lốp lớn hơn với kích cỡ 100/80 trước và 120/80 sau, giúp xe “trôi” qua những cung đường ngập cũng như leo vỉa hè tốt hơn. Ngoài ra, Honda SH có yên cao hơn Dylan, giúp tôn dáng người điều khiển.
Trên cả nước hiện nay rất nhiều hội nhóm SH.
Trong giới chơi xe SH cũng có sự phân cấp rõ rệt. SH Ý được coi trọng hơn hẳn, hàng nội bị coi là “bình dân hóa” một biểu tượng đẳng cấp nên không nhận được thiện cảm của nhiều dân chơi. Với họ, một chiếc SH giá chỉ hơn 60 triệu là điều không thể chấp nhận được. Nắm bắt được nhu cầu này, giới buôn xe đã hét giá những chiếc SH nhập khẩu đời 2011 lên một mức không tưởng. Có thời điểm, tại một đại lý ở TP.HCM, giá một chiếc SH nhập khẩu từ Ý đời 2011 là 13.000 USD, tương đương một chiếc xe hơi Ford Laser cũ. SH Ý đời mới có ngoại hình giống hệt SH nội cũng được hét giá 170 triệu đồng, gấp đôi SH nội. Sự chênh lệch giá này một phần bởi chất lượng SH nhập tốt hơn nhiều so với hàng nội, nhưng cũng không thể không nhắc đến tâm lý sính ngoại của nhiều người.
“Với một quốc gia đang phát triển ở giai đoạn hậu nông nghiệp, việc sở hữu một chiếc xe tay ga có giá bằng mấy chục tấn thóc thì đáng để tự hào. Vì vậy, SH sẽ còn là biểu tượng đẳng cấp tại Việt Nam trong một thời gian dài sắp tới”, anh Ngô Duy Phú nhận định.
Theo zing
Không có nhận xét nào