Tính cực đoan của Lamborghini
Chuyện kể rằng Ferruccio Lamborghini, vào những năm 60 của thế kỷ trước, lúc đã là một doanh nhân giàu có và thành đạt với thương hiệu máy cày Lamborghini Trattori, có sở thích sưu tầm và lái những chiếc xe hai chỗ có động cơ cực mạnh. Và thương hiệu ông thường lựa chọn là Ferrari.
Nhưng những chiếc Ferrari cũng không khiến ông hài lòng do chúng hay hỏng vặt. Một lần, sau rất nhiều lần phải thay mới bộ ly hợp (côn), Ferruccio Lamborghini đã tự tay sửa chiếc Ferrari và phát hiện ra bộ ly hợp của Ferrari rất giống với ly hợp trên những chiếc máy cày Lamborghini. Ông liền tìm đến Enzo Ferrari để góp ý về giải pháp để cải thiện bộ ly hợp. Enzo Ferrari cho rằng Ferruccio Lamborghini nên tập trung vào việc làm máy cày, là những thứ ông biết, hơn là tham gia vào thế giới của những siêu xe như Ferrari.
Phản ứng của Enzo Ferrari khiến Ferruccio Lamborghini nổi giận và quyết định phải cho ra một mác xe “trên cơ” Ferrari. Lamborghini đã ra đời như thế vào năm 1963.
Câu chuyện lý thú phía sau một thương hiệu danh giá chỉ dừng ở đấy; tuy nhiên, tinh thần cực đoan của Ferruccio Lamborghini luôn hiện diện trên các sản phẩm của Lamborghini từ những mẫu xe thời kỳ đầu tiên cho đến nay.
Thời kỳ đầu, Lamborghini chiêu mộ anh tài từ các tên tuổi như Ferrari, Maserati, Alfa Romeo để tạo ra những cỗ máy V12 mạnh nhất có thể. Thậm chí ở mẫu động cơ V12 đầu tiên, Lamborghini đã ra điều kiện tiền thưởng dựa trên số mã lực vượt qua các động cơ Ferrari có cùng dung tích.
Tuy nhiên, để tạo ra một động cơ mạnh nhất bằng mọi phương cách không phải là cách của Lamborghini. Động cơ xe Lamborghini sẽ phải có công suất lớn nhưng sẽ không dùng Turbo hay Superchage.
Giống như trong ngành chế tác đồng hồ, bạn có thể mua một chiếc Casio hay Seiko trị giá 200 USD với đẩy đủ tính năng và độ chính xác lên tới cả trăm năm không sai một giây, nhưng đó không phải là cách của những thương hiệu xa xỉ. Đó là lý do để những Patek Philippe hay Vacheron Constantine tồn tại. Đồng hồ đeo tay của họ vẫn có lịch mặt Trăng, mặt Trời, thậm chí có cả chức năng báo thức bằng đánh chuông; nhưng toàn bộ bộ máy phải là một cơ cấu cơ khí chính xác và cực kỳ tinh xảo.
Và đó cũng là cách Lamborghini làm với các động cơ của họ. Thông thường các hãng xe đại trà sẽ gia tăng công suất động cơ bằng các giải pháp nạp khí cưỡng bức như dùng Turbo hay Supercharge. Nhưng ở Lamborghini, tất cả các động cơ đều phải là loại nạp, hút khí tự nhiên.
Ví dụ, một chiếc Camry có dung tích 2.0L thường cho công suất trên 140 mã lực – cứ 1L dung tích động cơ sản sinh 70 mã lực. Nhưng với tiêu chuẩn của Lamborghini, mỗi 1L dung tích phải cho ra tối thiểu trên 100 mã lực mà không dùng đến Turbo hay Superchage.
Nhưng khi tỷ lệ công suất/dung tích động cơ đã tới giới hạn kỹ thuật – như Aventador có dung tích động cơ 6.5L, công suất 700 mã lực – Lamborghini sẽ phải tính đến hướng đi khác: giảm trọng lượng để tăng tốc tốt hơn. Như chiếc Gallardo có trọng lượng 1.380kg, Lamborghini đã loại bỏ tất cả các chi tiết “thừa thãi” để tạo ra mẫu Sesto Elemento 570 mã lực nhưng chỉ nặng 999kg – hơn chiếc Matiz khoảng 100kg.
Cách đây ít lâu, tôi đăng lên Facebook một tấm ảnh nội thất của Sesto Elemento với câu đùa “Nội thất mới cho ‘siêu xe’ Cressy” (Cressy là chiếc xe drift của tôi có giá chưa đến 200 triệu đồng). Bức ảnh sau đó nhận được rất nhiều likes cùng comment rằng nội thất đó rất hợp với xe của tôi.
Tại sao người ta lại không thể nhận ra sự khác biệt giữa nội thất của một siêu xe có giá 2,9 triệu USD và một chiếc “xe cỏ” có giá chưa đến 10 ngàn USD?
Đó là vì tính cực đoan của Lamborghini. Lamborghini luôn làm ra những siêu xe “nhanh nhất, mạnh nhất”, do vậy ưu tiên hàng đầu của bản hãng luôn là tốc độ, những gì không khiến cho xe nhanh và mạnh hơn sẽ luôn được xếp hàng thứ yếu.
Đó là lý do khiến dân chơi xe chẳng bao giờ ca tụng nội thất hay tiện nghi của những chiếc Lamborghini. Đó cũng là lý do để khó ai phân biệt được nội thất của siêu xe giá 2,9 triệu USD và chiếc xe “cỏ” giá 200 triệu đồng. Bởi vì, mục tiêu tối thượng của Lamborghini luôn là tạo ra những siêu xe “mạnh nhất và nhanh nhất”.
Tuy nhiên, Lamborghini cũng tôn trọng nguyên tắc “không thỏa hiệp” vì không phải khách hàng nào cũng muốn sở hữu những chiếc xe chỉ có chỗ ngồi, động cơ và hệ truyền động – giới hạn cùng cực đó chỉ dành cho những mẫu xe có số lượng rất hạn chế. Nguyên tắc “không thỏa hiệp” khiến cho Lamborghini phải đặt ra thách thức cho chính mình trên mỗi mẫu xe.
Hãy tưởng tượng, mẫu Huracan có công suất 610 mã lực nhưng chỉ nặng 1.422kg – nhẹ hơn phần lớn các xe 4 chỗ có công suất trên dưới 100 mã lực – và vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi như một chiếc xe siêu sang.
Đây là một thách thức không dễ dàng vượt qua nếu như bạn biết rằng để đạt được trọng lượng đó, toàn bộ phần khung và thân vỏ xe phải sử dụng kết cấu nhôm kết hợp với sợi carbon chứ không thể dùng khung thép như những mẫu xe thông thường.
Nhà sáng lập Ferruccio Lamborghini từng nói, “Tôi sẽ đặt động cơ ở sau. Tôi không muốn chở ai cả. Tôi muốn động cơ là cho riêng tôi”. Và đây là siêu xe hiện thực hóa mong muốn của ông, mẫu concept Lamborghini Egoista chỉ có một chỗ ngồi.
Thách thức và khó khăn để tạo ra một siêu xe như Lamborghini chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả chỉ là liệt kê lại trong khuôn khổ một bài báo. Nhưng trên tất cả, một khi sự cực đoan đã trở thành thuộc tính của thương hiệu, Lamborghini luôn biết cách để vượt qua thách thức để những người yêu xe luôn ước ao được sở hữu những siêu xe “nhanh nhất và mạnh nhất” của Lamborghini.
Và chỉ có sự cực đoan cùng một tinh thần không thỏa hiệp mới có thể tạo ra được những thương hiệu như Lamborghini; cũng như chỉ những tín đồ tốc độ luôn đánh giá cao tính duy mỹ của người Ý mới có thể “cảm” được những giá trị đó. Nhưng quan trọng hơn cả, bạn cũng cần phải có rất nhiều tiền để có thể sở hữu được một chiếc Lamborghini. Bởi lẽ, những tính từ như đẳng cấp hay sang trọng không bao giờ đi cùng với “giá rẻ”.
Không có nhận xét nào