Giám đốc sản xuất Nam Cito của sitcom 18+ Việt Nam chiếu trên Youtube dừng việc sản xuất vì không muốn “bị mang tiếng là thách thức”.
- Tập 1 của “Căn hộ số 69” ra mắt trên Youtube được hai tuần thì nhận được dư luận trái chiều và bị đề nghị thanh tra vì vi phạm quy trình sản xuất và phổ biến phim tại Việt Nam. Trong khi đó, 11/7 là lịch ra mắt dự kiến của tập 2. Anh và êkíp xử lý ra sao?
- Hôm 26/6, tôi vừa thông báo với êkíp và đưa ra quyết định chính thức. Dù chưa nhận được bất kỳ thông tin trực tiếp nào từ thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch hay Cục Điện ảnh nhưng chúng tôi đã tạm dừng sản xuất. Chúng tôi tôn trọng ý kiến từ phía lãnh đạo, các cơ quan cấp trên nên tạm dừng để nghe ngóng thế nào. Được biết sắp tới có kết quả thanh tra nên chúng tôi sẽ chờ. Nếu lúc này, chúng tôi tiếp tục sản xuất thì sẽ bị cho là thách thức. Tập 2 sẽ không ra mắt vào 11/7 như dự kiến dù chúng tôi đã xong kịch bản và chuẩn bị quay. Giờ thì sẽ tạm ngưng.
Sitcom "Căn hộ số 69" ban đầu dự định kéo dài 25 tập với mỗi tập có thời lượng 20 phút, chiếu trên Youtube mỗi tháng một lần và tự gắn mác "18+". |
- Anh từng tiết lộ rằng tập 1 dù chỉ quay trong 2 ngày nhưng mất cả tháng để dựng. Vậy nếu giả sử chuẩn bị quay lúc này thì sao có thể ra kịp như dự kiến?
- Lịch dự kiến của tập 2 là 11/7 và đáng lẽ chúng tôi đã quay từ tuần trước. Tuy nhiên, vì có thông tin bị đề nghị thanh tra nên mọi thứ phải hoãn lại. Đến lúc này thì cả êkíp mới quyết định ngưng sản xuất Căn hộ số 69 để chờ kết quả từ các cơ quan chức năng.
- Anh nói rằng “Căn hộ số 69” làm với mục đích giải trí, phi lợi nhuận nhưng ở cuối tập 1 lại có kêu gọi tài trợ. Nhiều người cho rằng đây là một cách kinh doanh, bán quảng cáo trá hình. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ mọi người chưa rõ lắm về vấn đề này. Tôi và êkíp làm tập 1 hoàn toàn mang tính chất phi lợi nhuận. Cả nhóm cùng đóng góp để làm phim và các diễn viên cũng không nhận cát-xê. Khi đăng tải lên Youtube cũng là chia sẻ, hoàn toàn không phải kiếm lời từ lượng view như nhiều người đồn đại. Tôi không hề ký hợp đồng với Youtube hay đơn vị tài trợ nào.
Tuy nhiên, để nuôi dưỡng đam mê chung của cả nhóm thì rất cần sự đóng góp bên ngoài, như những nhóm làm video clip khác trên mạng. Họ đều làm trước tiên vì đam mê, rồi sau đó mới nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, các tổ chức cá nhân để tiếp tục duy trì và cho ra mắt các sản phẩm khác. Tôi vẫn trung thành với các nguyên tắc từ trước đến nay. Căn hộ số 69 không phải là một sản phẩm để kinh doanh mà chỉ chia sẻ với cộng đồng.
Ba diễn viên chính trong phim chụp những bộ ảnh rất nóng bỏng để câu khách từ lúc "Căn hộ số 69" còn chưa chiếu tập đầu tiên. |
- Vậy nếu có một doanh nghiệp hay nhãn hàng đề nghị tài trợ kinh phí sản xuất, đổi lại họ sẽ có logo hay sản phẩm bất kỳ xuất hiện ở một cảnh hay một hình thức nào đó người xem có thể thấy trong sitcom, anh trả lời sao?
- Việc đó tôi chưa nghĩ tới vì chúng tôi là những người đơn thuần làm sáng tạo. Mới làm được tập 1 đã bị thanh tra thì chưa tính tập 2 sẽ như thế nào. Thực tế, sau tập 1 tôi cũng đã nhận được nhiều đề nghị từ các nhà tài trợ nhưng chúng tôi chưa nghĩ tới chuyện đó.
- Trong cuộc gặp gỡ giữa Cục Điện ảnh với báo chí hôm 25/6, một nguồn tin cho biết “Căn hộ số 69” có cả một chiến dịch PR rất rầm rộ và còn có cả thông cáo báo chí gửi cho một số phóng viên. Điều này khác với các video clip khác trên Youtube, anh giải thích thế nào?
- Tôi phải khẳng định là chúng tôi không có một chiến dịch PR nào hết choCăn hộ số 69, cũng không hề có “thông cáo báo chí” nào. Tất cả những gì xuất hiện trên báo đều do các phóng viên quan tâm và tự viết bài.
- Vậy những bộ ảnh rất “nóng” và mời gọi của dàn diễn viên có liên quan gì tới việc quảng cáo?
- Tất cả những gì quảng cáo cho Căn hộ số 69 chỉ thông qua Facebook của tôi và những người trong êkíp. Nhiều phóng viên đã tự vào Facebook lấy hình ảnh làm tư liệu viết bài về phim chứ tôi chưa bao giờ chủ động gửi báo chí để nhờ đăng tin.
- Nhiều người cho rằng chỉ mới tập 1 mà “Căn hộ số 69” đã có rất nhiều cảnh thô tục, phản cảm, điển hình là cảnh Sĩ Thanh ăn chuối. Anh nghĩ thế nào về những lời bình này?
- Căn hộ số 69 thuộc thể loại sitcom, nghĩa là hài dựa trên tình huống. Thường thì các tình huống sẽ được hài hước hóa và cường điệu hơn so với thực tế. Tôi nghĩ nếu ai là fan trung thành của thể loại sitcom sẽ hiểu và thấy thích thú với cảnh đó. Căn hộ số 69 không phải là phim điện ảnh hay phim truyền hình. Vì vậy, người xem đừng mong sẽ thấy mọi thứ một cách bình thường vì chính sự không bình thường mới làm nên điều khác biệt cho sitcom.
Nhiều khán giả cho rằng tập 1 của "Căn hộ số 69" dù diễn viên không "cởi sạch" hay "làm tình" nhưng các cảnh quay rất thô thiển, vụng về và phô. Trong ảnh là cảnh nhân vật của Sĩ Thanh đang ăn chuối được cho là bị cường điệu quá đà, gây phản cảm. |
- Cũng trong cuộc họp hôm 25/6, giữa Cục Điện ảnh và một số phóng viên có khá nhiều tranh cãi về việc gọi “Căn hộ số 69” là “phim”, là “video clip” hay một tên gọi nào đó như “sản phẩm”. Anh có khẳng định đây là “phim”?
- Tất nhiên tôi mong muốn sản phẩm của mình được gọi là “phim” vì cả êkíp dù sao vẫn toàn là những người nghiệp dư, đang hướng tới việc học hỏi để làm được một bộ phim cho đúng nghĩa. Nhưng cho dù tôi có gán cho đứa con tinh thần của mình là gì thì phải dựa trên sự thẩm định nghiêm túc của các bậc thầy, bậc đàn anh, chứ mình tôi không thể tự quyết định được. Giả sử bây giờ tôi có gọi Căn hộ số 69 là “phim điện ảnh bom tấn” thì liệu tất cả mọi người có công nhận và đồng tình không?
Như tôi cũng thấy qua một số bài báo có phỏng vấn những người làm điện ảnh chuyên nghiệp như đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Trần Lực… thì họ không coi đây là “phim”, mà chỉ gọi là một sản phẩm video clip chế... phục vụ mục đích giải trí. Tôi nghĩ họ là những người làm chuyên môn thực sự và họ cũng có cái lý khi gọi Căn hộ số 69 như vậy.
Không có nhận xét nào